» Vùng
» Số liệu thuộc
» Dữ liệu cần tìm

ĐẦU TƯ VÙNG DUYÊN HẢI MIỀN TRUNG

Tất cả các tỉnh/thành trong Vùng đều giáp biển với chiều dài 1.430 km, chiếm 43,8% bờ biển cả nước (3.260 km) trong đó bờ biển tỉnh Khánh Hòa là dài nhất với 385 km. Bên cạnh bờ biển dài với các bãi biển nổi tiếng như Lăng Cô, Non Nước, Cửa Đại, Nha Trang, Mũi Né… rất thuận lợi để Vùng phát triển du lịch và các ngành công nghiệp khai thác, chế biến thủy sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, khai thác khoáng sản biển…

Tài nguyên khoáng sản của Vùng cũng rất phong phú. Ngoài các khoáng sản kim loại như: Titan phân bố gần như ở tất cả các tỉnh, nhất là ở Bình Định và Bình Thuận; vàng sa khoáng, sắt, nhôm, đá granite..., thì Vùng còn có các mỏ sa khoáng của các nguyên tố hiếm, vật liệu xây dựng, các mỏ dầu khí; nguồn năng lượng gió rất quan trọng. Toàn vùng DHMT hiện có 6 khu kinh tế và 54 khu công nghiệp; tập trung phát triển các ngành công nghiệp như lọc hóa dầu, năng lượng, lắp ráp ô tô, sửa chữa và đóng mới tàu biển, chế biến nông - lâm - thủy sản, hóa chất, khai khoáng, cơ khí, điện, điện tử, điện lạnh, dệt may, da giày… định hướng này sẽ tạo ra nhiều cơ hội đầu tư trong Vùng.

Tuy nhiên, có thể nói lợi thế tự nhiên lớn nhất và quan trọng nhất của Vùng là kinh tế biển. Đây cũng là địa bàn thể hiện lợi thế đặc trưng của Việt Nam về kinh tế biển trong quan hệ cạnh tranh kinh tế khu vực và toàn cầu. Lợi thế cạnh tranh về kinh tế biển nổi bật ở 4 lĩnh vực: Ngư nghiệp; Du lịch, đặc biệt là du lịch biển đảo; Cảng biển và các dịch vụ logistics; Phát triển các ngành công nghiệp khai khoáng, chế tạo, chế biến gắn liền với lợi thế cảng biển. Nhìn chung đây là địa bàn có lợi thế phát triển kinh tế hướng ra biển, với “mặt tiền” là Thái Bình Dương, nối kết với lục địa phía Tây (thông qua các trục Hành lang Đông Tây) mà ít quốc gia nào trong khu vực có được.